5 tâm lý cần buông bỏ khi ở vị trí quản lý cấp cao

 Ở vị trí quản lý cấp cao, trách nhiệm bạn “gánh vác” rất lớn, đó là trọng trách phải đảm bảo được sự tồn tại và phát triển của công ty, doanh nghiệp hay sự thành bại của tổ chức.

 Những người quản lý giỏi cần tới quá trình rèn luyện khắc nghiệt cả về “trí” - trí tuệ, năng lực; “tâm” - đạo đức, thái độ; và “tài” - ở đây là tài quản lý, thao lược, chỉ đạo nhân viên. Để đạt được đủ những tố chất đó, sẽ có một vài yếu tố tâm lý mà người quản lý cấp cao nhất định cần phải buông bỏ, cụ thể là những điều sau đây.

Cái tôi cá nhân

 Cái tôi cá nhân là một phần quan trọng để làm nên “thương hiệu” của bạn trong quá trình tìm việc làm ở Cần Thơ hay TPHCM… hay trong quá trình làm việc, đặc biệt là ở cương vị quản lý cấp cao. Tuy nhiên, một người có cái tôi cá nhân quá cao đôi khi sẽ là rào cản trong bước tiến của họ.

 Hầu hết những nhà quản lý xuất sắc, hoặc các tỷ phú trên thế giới đều có sự khiêm nhường nhất định. Họ luôn đề cao trên hết lợi ích của tổ chức thay vì của cá nhân. Đôi khi ở vị trí quản lý cấp cao, bạn nên buông bỏ cái tôi cá nhân để tránh mắc sai lầm khi ra quyết định, hoặc trở nên cảm tính, bị cảm xúc chi phối trong quá trình lãnh đạo và trở thành một người bảo thủ, trì trệ.

Thói quen tự mình làm mọi thứ

 Có thể khi là một nhân viên mẫn cán, bạn rất coi trọng sự độc lập, không dựa dẫm và có thói quen làm tất cả mọi thứ một mình. Nhưng khi trở thành quản lý cấp cao, việc của bạn là giữ cho bộ máy vận hành suôn sẻ nhằm cho ra kết quả tốt nhất. Sẽ thật khó để đạt mục tiêu này nếu bạn không chịu chia sẻ thông tin, không giao nhiệm vụ cho nhân viên, hoặc thiếu sự tin tưởng đối với cấp dưới của mình. Dù năng lực chuyên môn của bạn có tốt tới đâu, khi ở vị trí người quản lý, bạn vẫn nên tránh ôm đồm, tự tay làm mọi việc. Thay vào đó, hãy chú trọng vào quá trình đào tạo, xây dựng quy trình, tổ chức bộ máy và những tác vụ quản lý vĩ mô hơn.

Tâm lý hơn thua, hiếu thắng

 Là một nhà quản lý cấp cao, bí quyết thành công nằm ở một “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh”. Nếu bạn cố chấp giữ lấy tâm lý hơn thua trong kinh doanh, hoặc trong phong cách làm việc thường ngày, bạn sẽ khó đạt được những lợi ích lớn trong dài hạn. Các đối tác sẽ không hài lòng với một vị giám đốc quá tính toán thiệt hơn, và nhân viên cũng sẽ không cống hiến hết mình cho một ông chủ quá ganh đua, hiếu thắng. Điều này không có nghĩa là bạn cần phải thỏa hiệp với mọi thứ, nhưng hãy biết cân bằng lợi ích của các bên liên quan, đồng thời xây dựng các chiến lược một cách thông minh nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh thay vì lao vào một “cuộc đua” vô nghĩa nào đó.

Lợi ích trước mắt và tầm nhìn ngắn hạn

 Có thể nói, yếu tố quan trọng giúp phân biệt những nhân viên bình thường với những người làm quản lý đó chính là tầm nhìn. Chúng ta thường thấy những nhà quản lý tài năng hoặc các nhà kinh doanh lớn đều có suy nghĩ khác biệt và tầm nhìn “đi trước thời đại”. Chính khát vọng thay đổi thế giới, đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng mới là động lực thúc đẩy họ cố gắng, chứ không phải là những lợi ích trước mắt hay mong muốn trở nên giàu có, quyền lực. Buông bỏ nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, buông bỏ ham muốn về danh vọng, vật chất, hướng tới những mục tiêu cao cả hơn, lớn lao hơn chính là điều mà người lãnh đạo cần phải làm, để có thể đưa tổ chức của mình bay xa, bay cao hơn.

Tâm lý thụ động, phó mặc

 Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay so sánh nhà quản lý với hình ảnh người thuyền trưởng - những người đứng đầu sóng, ngọn gió, luôn phải tập trung cao độ để lèo lái con tàu cập bến an toàn. Tâm lý thụ động, phó mặc là thứ gần như không tồn tại trong suy nghĩ của họ, nếu không muốn doanh nghiệp, “con tàu" của mình bị nhấn chìm. Trái lại, quản lý cấp cao là những cá nhân luôn phải nhạy bén với thời cuộc, nhanh chóng “chớp” lấy cơ hội, luôn phải là người chủ động dẫn dắt cuộc chơi, dẫn dắt thị trường. Nếu bạn là người không thích sự chủ động, quyết liệt, nếu không muốn phải đương đầu, ghét sự tranh đấu khốc liệt của thương trường, có lẽ vị trí quản lý là không dành cho bạn.

 Tóm lại, vị trí quản lý cấp cao là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả với áp lực nặng nề từ nhiều phía. Cũng giống như kim loại quý thường được tôi luyện trong lửa, người quản lý giỏi giang là người đã từng nếm trải không ít cay đắng và thất bại trên con đường của họ, và trong quá trình rèn luyện đó, họ cần phải vứt bỏ được những “hành lý” không cần thiết để bước nhanh hơn.

Nguồn: bacsigiadinh.com

BACSIGIADINH KỸ NĂNG SỐNG 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn